https://phuong22binhthanh.gov.vn/
Việt Nam là một quốc gia đa dân tộc, mỗi dân tộc ở Việt Nam đều có bản sắc văn hóa riêng tạo nên sự thống nhất trong đa dạng của văn hóa Việt Nam. Di sản văn hóa Việt Nam bao gồm di sản văn hóa vật thể và di sản văn hóa phi vật thể, là tài sản vô cùng quý giá của cộng đồng các dân tộc Việt Nam trong suốt bề dày lịch sử hàng ngàn năm của dân tộc.
Nhận thức được tầm quan trọng của các di sản văn hóa Việt Nam. Từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời và trở thành lực lượng lãnh đạo đất nước, Đảng đã nhất quán chủ trương quan tâm, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Ngày 23/11/1945, Chủ tịch Chính phủ Lâm thời Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 65/SL “Ấn định nhiệm vụ của Đông Phương Bác cổ Học viện” - Đây là Sắc lệnh đầu tiên của Nhà nước ta về việc bảo tồn di sản văn hóa dân tộc. Sắc lệnh ra đời trong hoàn cảnh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa non trẻ đang gặp vô vàn khó khăn về giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm, đất nước đang ở trong tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”.
.
Sắc lệnh số 65/SL gồm các nội dung cơ bản như: Khẳng định việc bảo tồn cổ tích “là công việc rất quan trọng và rất cần thiết cho công cuộc kiến thiết nước Việt Nam”; Đông Phương Bác cổ Học Viện có nhiệm vụ bảo tồn cổ tích trong toàn cõi Việt Nam, thay thế cho Pháp Quốc Viễn Đông Bác cổ Học viện bị bãi bỏ; Giữ nguyên các luật lệ về bảo tồn cổ tích đã có trước đây; Cấm phá hủy những đình, chùa, đền, miếu hoặc những nơi thờ tự khác, những cung điện, thành quách cùng lăng mộ chưa được bảo tồn. Cấm phá hủy những bi ký, đồ vật, chiếu sắc, văn bằng, giấy má, sách vở có tính cách tôn giáo hay không, nhưng có ích cho lịch sử mà chưa được bảo tồn; Chính phủ công nhận nguyên tắc những khoản trợ cấp hàng năm của toàn quốc, của mỗi kỳ hay mỗi tỉnh cho Đông Phương Bác cổ Học viện.
Sắc lệnh số 65/SL tuy ngắn gọn, súc tích, nhưng phản ánh những tư tưởng, quan điểm rất cơ bản, sâu sắc của Nhà nước ta đối với việc bảo tồn di sản văn hóa, cho đến nay vẫn giữ nguyên ý nghĩa lý luận và thực tiễn, soi sáng cho sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa của đất nước.
Sau Sắc lệnh số 65/SL, ngày 29/10/1957, Nghị định số 519-TTg “Về bảo vệ di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh” do Thủ tướng Chính phủ ban hành, đã tạo điều kiện cho ngành văn hóa thể thao tiến hành kiểm kê phổ thông các di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh ở các tỉnh và thành phố toàn miền Bắc; giúp bảo vệ những di tích quan trọng nhất của đất nước.
Pháp lệnh Bảo vệ và sử dụng di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh do Hội đồng Nhà nước công bố ngày 4/4/1984 cũng đã chứng tỏ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với công tác giữ gìn di sản văn hóa của dân tộc.
Công cuộc đổi mới toàn diện đất nước là một bước ngoặt quan trọng trong sự nghiệp phát triển đất nước. Để có những thay đổi mang tính chất cách mạng trong đời sống chính trị - kinh tế - xã hội và văn hóa, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành hàng loạt các chủ trương, định hướng, luật, chính sách; những văn bản có tác động sâu sắc đến quá trình giữ gìn bảo vệ và phát huy giá trị các di sản văn hóa của dân tộc. Đặc biệt, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương 5 khóa VIII đã ban hành Nghị quyết “Về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” (ban hành ngày 16 tháng 7 năm 1998). Đây là Nghị quyết về chiến lược văn hóa của Đảng ta trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và Luật Di sản Văn hóa được Quốc hội khóa X, kỳ họp thứ 9 thông qua ngày 14/6/2001, có hiệu lực từ ngày 1/1/2002 là cơ sở pháp lý cao nhất nhằm bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa ở Việt Nam. Trong Luật Di sản Văn hóa, ngoài tính hệ thống và tầm bao quát của nó thì lần đầu tiên chúng ta đã đưa các di sản văn hóa phi vật thể vào nội dung quản lý và điều chỉnh của bộ luật này. Đó là sự phát triển tư duy lý luận của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước ta trong việc hoàn chỉnh bộ Luật Di sản văn hóa, mà không phải quốc gia hiện đại nào cũng đạt được.
Ngày 19/1/1993, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 25/TTg “Về một số chính sách nhằm xây dựng và đổi mới sự nghiệp văn hóa nghệ thuật”, trong đó xác định việc phát triển văn hóa thể thao mang bản sắc dân tộc Việt Nam là trách nhiệm, nghĩa vụ của toàn dân, Nhà nước tạo điều kiện, xây dựng cơ sở hạ tầng và trang bị phương tiện cho việc phát triển văn hóa nghệ thuật mang bản sắc dân tộc.
Nhằm phát huy truyền thống và ý thức trách nhiệm của những người làm công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa Việt Nam, động viên các tầng lớp xã hội tham gia tích cực vào sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc, ngày 24/2/2005, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 36/2005/QĐ-TTg về việc lấy ngày 23/11 hàng năm là “Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam”.
Chính phủ xác định 5 yêu cầu của Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam là: Giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, ý thức trách nhiệm bảo vệ di sản văn hóa trong toàn dân; Tăng cường ý thức trách nhiệm, niềm tự hào của những người làm công tác bảo vệ, giữ gìn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Thực hiện quyết định của Thủ tướng Chính phủ, từ năm 2005 tới nay, trải qua 6 lần tổ chức, Ngày Di sản văn hóa Việt Nam 23/11 đã thực sự trở thành ngày hội lớn, thắp sáng ngọn lửa di sản văn hóa dân tộc trong trái tim của hơn 90 triệu người dân Việt Nam.
Tại Đại hội X, Đảng ta tiếp tục nhấn mạnh vấn đề bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa trong sự nghiệp phát triển văn hóa của đất nước. Nghị quyết Đại hội chỉ rõ: “Tiếp tục đầu tư cho việc bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử cách mạng, kháng chiến, các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của dân tộc, các giá trị văn hóa nghệ thuật, ngôn ngữ, thuần phong mỹ tục của cộng đồng các dân tộc. Bảo tồn và phát huy văn hóa, văn nghệ dân gian. Kết hợp hài hoà việc bảo vệ, phát huy các di sản văn hóa với các hoạt động phát triển kinh tế du lịch”.
Đại hội XI của Đảng không chỉ tiếp tục khẳng định phải bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa truyền thống, cách mạng của dân tộc, mà còn chỉ rõ các yêu cầu cụ thể trong việc bảo tồn giá trị các di sản văn hóa, nhất là ngôn ngữ tiếng Việt và ngôn ngữ, chữ viết của các dân tộc. Nghị quyết chỉ rõ: “Bảo vệ sự trong sáng của tiếng Việt... Xây dựng và thực hiện các chính sách bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, ngôn ngữ, chữ viết các dân tộc thiểu số”.
Tiếp theo tinh thần Đại hội X, Đại hội XI, Nghị quyết Trung ương 9 khóa XI của Đảng đã bổ sung và cụ thể hóa hơn nhiệm vụ bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc. Theo đó, bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa phải gắn với phát triển du lịch và phát triển kinh tế. Nghị quyết chỉ rõ: “Bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử - văn hóa tiêu biểu, phục vụ giáo dục truyền thống và phát triển kinh tế; gắn kết bảo tồn, phát huy di sản văn hóa với phát triển du lịch”. Đặc biệt, trước sự tác động của toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và sự phát triển của cách mạng khoa học và công nghệ, vấn đề giữ gìn, phát huy các di sản văn hóa của dân tộc, chống sự lai căng và lạm dụng được Nghị quyết Trung ương 9 khóa XI đưa vào một trong sáu nhiệm vụ xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam. Nghị quyết chỉ rõ: “Phát triển đi đôi với giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt; khắc phục tình trạng lạm dụng tiếng nước ngoài. Giữ gìn và phát huy di sản văn hóa các dân tộc thiểu số, nhất là tiếng nói, chữ viết, trang phục, lễ hội truyền thống; các giá trị văn hóa tích cực trong tôn giáo, tín ngưỡng”.
Kế thừa các quan điểm trước đây về phát triển văn hóa, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng xác định: “Phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Tăng đầu tư cho phát triển sự nghiệp văn hóa. Xây dựng, phát triển, tạo môi trường và điều kiện xã hội thuận lợi nhất để khơi dậy truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc, niềm tin, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; tài năng, trí tuệ, phẩm chất của con người Việt Nam là trung tâm, mục tiêu và động lực phát triển quan trọng nhất của đất nước”. Đồng thời, Đại hội XIII của Đảng yêu cầu nghiên cứu, xác định và triển khai xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người Việt Nam gắn với giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới. Theo đó, cần khai thác và phát huy cao nhất các giá trị tốt đẹp, bền vững của văn hóa, con người và gia đình Việt Nam. Nghiên cứu, xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị, chuẩn mực văn hóa và con người Việt Nam trong sự nghiệp Đổi mới và hội nhập quốc tế, khi “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”. Có kế hoạch, cơ chế và giải pháp nhằm xử lý đúng đắn mối quan hệ giữa bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử truyền thống dân tộc với việc xây dựng con người, phát triển kinh tế-xã hội nhanh và bền vững…
Những quan điểm đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước trong thời kỳ đổi mới toàn diện đất nước, đặc biệt là sự phát triển tư duy lý luận của Đảng về “phát huy sức mạnh mềm của văn hóa Việt Nam”- lần đầu tiên xuất hiện trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng - đã khẳng định, các giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, bản sắc văn hóa Việt Nam và sức mạnh con người Việt Nam đã trở thành cội rễ của sức mạnh mềm văn hóa dân tộc, là sức mạnh nội sinh, là nguồn lực và động lực to lớn của đất nước trong phát triển bền vững và hội nhập quốc tế.
Phòng Lý luận chính trị - Lịch sử Đảng
Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM