Đ/c Võ Văn Kiệt - Nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta; học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh; chiến sỹ cách mạng kiên trung, suốt đời phấn đấu vì hạnh phúc của Nhân dân, vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; là một trong những người đi đầu công cuộc đổi mới ở Việt Nam.
KHÁI LƯỢC TIỂU SỬ VÀ QUÁ TRÌNH HOẠT ĐỘNG CÁCH MẠNG CỦA ĐỒNG CHÍ VÕ VĂN KIỆT
Đồng chí Võ Văn Kiệt tên thật là Phan Văn Hòa, bí danh Sáu Dân, sinh ngày 23/11/1922 tại xã Trung Hiệp, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long, trong một gia đình nông dân nghèo. Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất giàu truyền thống văn hiến, yêu nước, đấu tranh chống áp bức cường quyền, nên khi tuổi đời còn rất trẻ, Đồng chí đã sớm hình thành tư tưởng yêu nước, giác ngộ cách mạng.
Năm 1938, khi mới 16 tuổi, Võ Văn Kiệt đã tham gia hoạt động cách mạng trong phong trào Thanh niên phản đế. Tháng 11/1939, được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương; tháng 11/1940, được cử làm Bí thư Chi bộ xã Trung Hiệp, Huyện ủy viên huyện Vũng Liêm và tham gia lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ ở huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long. Sau Khởi nghĩa Nam Kỳ, Đồng chí được điều động về hoạt động tại vùng U Minh thuộc tỉnh Rạch Giá (Kiên Giang).
Từ năm 1941 - 1945, trên cương vị Tỉnh ủy viên tỉnh Rạch Giá, Đồng chí đã tham gia xây dựng lực lượng cách mạng, bảo vệ căn cứ địa U Minh trở thành đầu não chỉ huy cách mạng của các tỉnh miền Tây Nam Bộ, góp phần vào thắng lợi của cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945.
Sau ngày Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945, đồng chí Võ Văn Kiệt được cử làm Ủy viên Chính trị dân quân cách mạng Liên tỉnh Tây Nam Bộ, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy Rạch Giá, rồi Phó Bí thư Tỉnh ủy Rạch Giá, tham gia lãnh đạo Nhân dân các tỉnh miền Tây Nam Bộ: Rạch Giá, Bạc Liêu, Cà Mau... tiến hành cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược.
Giữa năm 1949, Đồng chí được điều về làm Phó Bí thư, rồi Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu, trực tiếp chỉ đạo cuộc chiến đấu của đồng bào, góp phần tích cực vào thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của Nhân dân ta.
Sau Hiệp định Giơnevơ (1954), Đồng chí được phân công bí mật ở lại miền Nam, hoạt động tại các tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu, vùng cực Nam của Tổ quốc. Năm 1955, Đồng chí được bầu làm Ủy viên dự khuyết Xứ ủy Nam Bộ, Phó Bí thư Liên Tỉnh ủy miền Tây, sát cánh bên cạnh đồng chí Lê Duẩn, góp phần xây dựng Đề cương cách mạng miền Nam. Năm 1959, Đồng chí được điều về Khu Sài Gòn - Gia Định (T.4), làm Bí thư Khu ủy.
Năm 1960, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng, Đồng chí được bầu làm Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng; là Ủy viên Trung ương Cục miền Nam; tiếp tục làm Bí thư Khu ủy T.4 (Sài Gòn - Gia Định) cho đến cuối năm 1969, rồi Bí thư Khu ủy Khu 9 (Tây Nam Bộ), Bí thư Quân khu ủy Quân khu 9 đến năm 1973. Năm 1972, Đồng chí được bầu làm Ủy viên chính thức Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
Từ năm 1973 - 1975, đồng chí Võ Văn Kiệt được điều về công tác ở Trung ương Cục, trên cương vị là Ủy viên Thường vụ Trung ương Cục miền Nam.
Trong chiến dịch giải phóng Sài Gòn, Đồng chí được Trung ương Cục phân công làm Ủy viên Ban cán sự Đảng ủy đặc biệt của Chiến dịch Hồ Chí Minh và Bí thư Ủy ban Quân quản Thành phố.
Sau ngày Tổ quốc thống nhất, Đồng chí được phân công làm Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh.
Năm 1976, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng, đồng chí Võ Văn Kiệt được bầu lại vào Ban Chấp hành Trung Trung ương và được bầu làm Ủy viên dự khuyết Bộ Chính trị và được phân công làm Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh. Tháng 3/1982, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V của Đảng, Đồng chí tiếp tục được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương và bầu làm Ủy viên Bộ Chính trị; tháng 4/1982, được Quốc hội phê chuẩn làm Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, kiêm Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước.
Bí thư Thành ủy TP HCM Võ Văn Kiệt đến thăm một số cơ sở sản xuất đồ chơi và học cụ cho trẻ em của TP HCM, ngày 25-5-1979
Tháng 12/1986, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng, đồng chí Võ Văn Kiệt được bầu lại vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng, được Ban Chấp hành Trung ương bầu làm Ủy viên Bộ Chính trị. Kỳ họp thứ nhất (Quốc hội khóa VIII), Đồng chí được bầu lại làm Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, kiêm Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước.
Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII của Đảng (tháng 6/1991), đồng chí Võ Văn Kiệt tiếp tục được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị. Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa VIII, Đồng chí được Quốc hội phê chuẩn giữ chức Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng. Đến kỳ họp thứ chín Quốc hội khóa VIII (tháng 8/1991), Đồng chí được Quốc hội bầu giữ chức Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng và tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa IX (tháng 10/1992) đồng chí Võ Văn Kiệt được bầu làm Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng và An ninh cho đến năm 1997.
Thủ tướng Võ Văn Kiệt xem xét quy hoạch tổng thể dự án xây dựng thành phố Vạn Tường và khu công nghiệp lọc hóa dầu Dung Quất (tháng 7/1995).
Tháng 6/1996, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII của Đảng, đồng chí Võ Văn Kiệt tiếp tục được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương, được Trung ương bầu vào Bộ Chính trị và được cử làm Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị.
Từ tháng 12/1997 - 4/2001, do tuổi cao, Đồng chí xin rút khỏi Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương và được Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII cử làm Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam.
Đồng chí là Đại biểu Quốc hội các khóa VI, VIII và IX.
Đồng chí từ trần vào lúc 7 giờ 40 phút ngày 11/6/2008, hưởng thọ 86 tuổi.
Do công lao to lớn đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, uy tín lớn trong và ngoài nước, đồng chí Võ Văn Kiệt đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao vàng, Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng và nhiều huân, huy chương cao quý khác. Cuộc đời Đồng chí là tấm gương sáng để đồng bào, cán bộ, chiến sĩ cả nước yêu quý, kính trọng và mãi mãi noi theo.
Đồng chí Võ Văn Kiệt là con người của hành động, con người của những quyết sách mang tầm vóc lịch sử. Với 86 tuổi đời, 69 tuổi Đảng, cuộc đời hoạt động cách mạng sôi nổi và bền bỉ của đồng chí Võ Văn Kiệt luôn gắn liền với những chặng đường đấu tranh vô cùng oanh liệt và tự hào của cách mạng Việt Nam, của Đảng quang vinh, của nhân dân anh hùng.
DẤU ẤN THỜI KỲ VÕ VĂN KIỆT TRONG LĨNH VỰC KINH TẾ
Là người đóng vai trò động lực trong công cuộc cải cách kinh tế ở Việt Nam khởi đầu giữa những năm 1980,đúng như Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon từng đánh giá “Võ Văn Kiệt đã mở đường cho sự chuyển mình của đất nước từ đói nghèo sang một thập kỷ tăng trưởng kinh tế đầy ấn tượng".5 năm từ sau Đại hội VI của Đảng (12/1986) đến Đại hội VII (6/1991) là thời gian diễn ra cuộc cọ xát, đấu tranh ở những mức độ, cấp độ, địa bàn khác nhau giữa hai khuynh hướng trở về cơ chế cũ quan liêu bao cấp hay dứt khoát chia tay với nó. Nhiều cán bộ hoặc vì lợi ích cá nhân, hoặc vì không đủ quyết tâm, năng lực không dám và không muốn đổi mới. Trước tình hình đó, đồng chí Võ Văn Kiệt cùng nhiều cán bộ lãnh đạo cao cấp kiên trì, thể hiện quyết tâm đổi mới mạnh mẽ và chỉ rõ đổi mới phải bám sát vào điều kiện thực tiễn nhằm đáp ứng lợi ích của nhân dân, của đất nước.
Trên cương vị Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (6/1988-8/1991) , Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (8/1991-10/1992), Thủ tướng Chính phủ (10/1992-12/1997), đồng chí Võ Văn Kiệt đã đề xuất và chỉ đạo xây dựng, triển khai nhiều chính sách có tính đột phá như: xóa bỏ chỉ tiêu pháp lệnh, trao quyền tự chủ kinh doanh cho xí nghiệp quốc doanh; thực hiện thương mại hóa tư liệu sản xuất, cho phép các doanh nghiệp lớn, cả Trung ương và địa phương, được trực tiếp xuất nhập khẩu, chấm dứt tình trạng hai giá; xóa bỏ chế độ thu mua nghĩa vụ áp đặt với nông dân, bãi bỏ ngăn sông cấm chợ, thực hiện tự do lưu thông hàng hóa trong cả nước,...chuyển dần nền kinh tế từ bao cấp sang kinh tế thị trường. Trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng, đồng chí trực tiếp chỉ đạo, đôn đốc Tổ chuyên gia thực hiện cải cách hệ thống ngân hàng, từ ngân hàng một cấp sang hệ thống ngân hàng hai cấp: Ngân hàng nhà nước và Ngân hàng thương mại, thành lập thanh tra, quy định tỉ lệ dự trữ bắt buộc, thành lập thị trường liên ngân hàng, áp dụng biện pháp lãi suất để điều tiết tín dụng và thay cho khối lượng tiền tệ duy ý chí trước đây. Từ kết quả thực tiễn, đồng chí đã chỉ đạo Tổ cải cách tập trung xây dựng Dự thảo Pháp lệnh ngân hàng và Pháp lệnh các Hợp tác xã tín dụng, sau đó là xây dựng Luật ngân hàng và Luật Hợp tác xã tín dụng cho hệ thống ngân hàng Việt Nam vận hành theo quy luật thị trường.
Với tầm nhìn chiến lược và bản lĩnh dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, “ làm nhiều hơn nói nhiều ”, đồng chí Võ Văn Kiệt là một trong những “ tổng công trình sư ” của nhiều dự án lớn, táo bạo thời kỳ đổi mới đất nước. Từ năm 1988, trên cương vị Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, đồng chí đã có chủ trương thực hiện chương trình 10 năm đầu tư khai phá vùng Đồng Tháp Mười, khu tứ giác Long Xuyên và bán đảo Cà Mau, cải tạo vùng đất vốn bị nhiễm phèn, mặn trở thành vùng đất màu mỡ, trù phú, phát triển mạnh về nông nghiệp – thủy sản. Tiếp đó là các dự án, chương trình lớn như Chương trình Thoát lũ ra biển Tây, Ngọt hoá bán đảo Cà Mau, Nhà máy lọc dầu Dung Quất...; Chương trình chung sống với lũ, chương trình xây dựng cụm, tuyến dân cư vượt lũ và nhà ở cho người nghèo… ở vùng Đồng bằng Sông Cửu Long; Chương trình phát triển nâng cao đời sống đồng bào dân tộc miền núi ở Tây Nguyên; các công trình điện năng lớn như Trị An, Thác Mơ, Yaly, Hàm Thuận - Đa Mi, Sông Hinh, Phú Mỹ, Cà Mau, đường dây tải điện 500 KV Bắc - Nam...; các công trình giao thông: đường Bắc Thăng Long - Nội Bài, đường cao tốc Láng - Hoà Lạc, đường Hồ Chí Minh, cầu Mỹ Thuận...., sự phát triển của các ngành dầu khí, viễn thông, hàng không, các tổng công ty lớn của Nhà nước, đều mang đậm “dấu ấn” khai mở, trực tiếp chỉ đạo tổ chức thực hiện của Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Bên cạnh đó, trong thời kỳ đổi mới đã có nhiều khái niệm mới ra đời gắn liền với tên tuổi Võ Văn Kiệt như “sống chung với lũ”, “phủ xanh đất trống đồi trọc”, “bảo đảm an ninh lương thực”... Nhắc đến Võ Văn Kiệt, có người gọi đồng chí với tên thân thương, trìu mến là Bí thư “bung ra”, hay Thủ tướng điện, Anh Sáu của nhân dân.
Kết quả dưới sự quản lý, điều hành của Chính phủ, của người đứng đầu là Thủ tướng Võ Văn Kiệt, nền kinh tế giai đoạn 1991-1997 đạt tốc độ tăng trưởng cao, ổn định, trung bình 8,2%/năm.
Thời kỳ này, Thủ tướng Võ Văn Kiệt hết sức quan tâm việc đẩy mạnh quan hệ kinh tế quốc tế, tranh thủ học hỏi kinh nghiệm, trình độ quản lý, khoa học kỹ thuật, mở rộng thị trường để phát triển kinh tế đất nước. Đồng chí luôn trăn trở về “một trong những thách thức là sự phát triển kinh tế của chúng ta vẫn tiếp tục lệ thuộc một chiều vào thế giới bên ngoài. Lệ thuộc vốn đầu tư, làm gia công và thương hiệu. Nước nào cũng lệ thuộc lẫn nhau, nhưng vấn đề là ở chỗ làm sao chuyển từ lệ thuộc một chiều và thụ động, sang sự lệ thuộc hai chiều và chủ động”. Đó cũng chính là vấn đề cấp thiết mà chúng ta đang phải giải quyết trong hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay.
NGƯỜI TIÊN PHONG TRONG NHỮNG BƯỚC NGOẶT CỦA ĐỐI NGOẠI THỜI KỲ MỚI
Sau khi Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa ở Ðông Âu sụp đổ, với cảm quan chính trị nhạy bén, đồng chí Võ Văn Kiệt sớm nhận ra khi chiến tranh lạnh đã kết thúc, nhân tố ý thức hệ không còn tạo nên sự gắn kết như trước, không một quốc gia nhỏ nào còn có thể trông cậy vào sự viện trợ của một cường quốc lớn như thời kỳ trước đây. Bởi vậy, muốn thoát khỏi tình thế nguy nan, Việt Nam phải có “tư duy chính trị mới, phải biết tạo dựng những mối quan hệ mới, tìm ra những đối tác mới nếu không muốn bị chìm nghỉm trong một thế giới đang cạnh tranh quyết liệt để tồn tại và phát triển”(1).
Đồng chí Võ Văn Kiệt luôn nhất quán quan điểm: mỗi đất nước đều có một sức mạnh riêng, một lợi thế riêng; cần khơi dậy và phát huy tất cả các nguồn lực ấy để giành được nhiều nhất lợi ích cho dân tộc trong tư thế độc lập, tự chủ. Vì vậy, đồng chí góp phần xây dựng và tích cực thực hiện đường lối đối ngoại mềm dẻo, độc lập, tự chủ của Đảng, của Nhà nước.
Trên mặt trận ngoại giao, đồng chí Võ Văn Kiệt chủ trương đi từ trong ra, qua từng vòng, từng lớp, từ các nước trong khu vực, các nước láng giềng, sau đó sang khu vực Tây Thái Bình Dương, châu Âu, Mỹ. ASEAN được coi là hướng đột phá đầu tiên để thực hiện chính sách khu vực một cách năng động, hợp thời và hiệu quả. Đồng chí Võ Văn Kiệt khẳng định: “Hơn bất cứ một quốc gia riêng rẽ nào, ASEAN có thể là một cầu nối nền kinh tế Việt Nam với nền kinh tế thế giới… ASEAN sẽ là một trong những bên đối tác chủ yếu của Việt Nam, với tư cách là một nhóm nước”(2). Chính sách khu vực năng động đã đưa đến kết quả ngày 28/7/1995, Việt Nam chính thức trở thành thành viên của ASEAN, tạo thuận lợi mở rộng quan hệ với các đối tác quan trọng khác trên thế giới.
Với Trung Quốc, trong quá trình đàm phán về vấn đề biên giới trên bộ và phân định vịnh Bắc Bộ, đồng chí Võ Văn Kiệt chỉ đạo sát sao, có nhiều lúc trực tiếp xử lý những vụ việc phức tạp nảy sinh, “cương, nhu” đúng lúc đúng chỗ nhằm tạo được mối quan hệ tốt nhất có thể.
Sau khi tham gia nối lại quan hệ bình thường với Trung Quốc, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đẩy mạnh hoạt động mở rộng quan hệ hợp tác đến các nước, các khu vực, đặc biệt là vận động Mỹ xóa bỏ cấm vận, tiến tới bình thường hóa quan hệ với Hoa Kỳ. Theo xu thế phát triển chung của thế giới, với thiện chí của Việt Nam và hoạt động tích cực của cả hai bên, ngày 11/7/1995, Tổng thống Bill Clinton chính thức tuyên bố bình thường hóa quan hệ với Việt Nam. Đáp lại lời tuyên bố này, Thủ tướng Võ Văn Kiệt hoan nghênh quyết định của phía Hoa Kỳ và “sẵn sàng cùng Chính phủ Hoa Kỳ thỏa thuận một khuôn khổ mới giữa hai nước trên cơ sở bình đẳng, tôn trọng độc lập, chủ quyền, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, cùng có lợi và phù hợp với các nguyên tắc phổ biến của luật pháp quốc tế”(3). Bên cạnh đó, Thủ tướng còn kêu gọi nguồn lực của hơn1 triệu người Mỹ gốc Việt sinh sống ở Mỹ: “hãy đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau, phấn đấu cho mình một cuộc sống yên bình, thịnh vượng, góp phần phát triển mối quan hệ mới giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, chung sức với đồng bào trong nước xây dựng Tổ quốc Việt Nam dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng và văn minh”(4).
Việc bình thường hóa, mở rộng quan hệ hợp tác với các nước đã đem lại kết quả tích cực. Đến năm 1997, Việt Nam đã huy động được 8,5 tỷ USD ODA và 28 tỷ USD đầu tư nước ngoài, mức độ tăng trưởng hàng năm là 8%. Bên cạnh đó, với tầm nhìn và sự nhanh nhạy, sắc sảo trong đánh giá tình hình, đồng chí luôn nhắc nhở “ta cần thay chỗ dựa (vào một nước) bằng cách dựa (vào khai thác các quan hệ quốc tế), nghĩa là biết “cài đặt mối quan hệ giữa các nước với nhau, khai thác các mâu thuẫn, củng cố nó bằng các lợi ích song phương, tạo ra lợi ích cho đối phương để tìm kiếm lợi ích từ đối phương”(5).
Với tư cách là Thủ tướng, đồng chí Võ Văn Kiệt mời Thủ tướng Singapore là Lý Quang Diệu sang góp ý kiến cho công cuộc xây dựng và cải cách kinh tế - việc làm được cho là khá mới lạ với không ít cán bộ lãnh đạo cao cấp của ta lúc đó. Đồng chí luôn tận dụng mọi cơ hội để gặp gỡ đại diện của các tổ chức kinh tế, chính trị, văn hóa khu vực và toàn cầu, các nhà trí thức, chính khách, nhà báo, qua đó truyền tải thông điệp của nhân dân Việt Nam muốn mở rộng quan hệ với các nước và trở thành đối tác tin cậy với cộng đồng quốc tế vì hòa bình, hợp tác và phát triển; góp phần xóa đi định kiến, khẳng định vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế và trong lòng bạn bè thế giới.
Thủ tướng Võ Văn Kiệt dự Lễ động thổ Khu công nghiệp Việt Nam-Singapore (VSIP) tại tỉnh Sông Bé (nay thuộc tỉnh Bình Dương) sáng 14-5-1996.
(1) GS. Song Thành: Võ Văn Kiệt, tầm viễn kiến của một chính khách, in trong Võ Văn kiệt - một nhân cách lớn; nhà lãnh đạo tài năng; suốt đời vì nước vì dân (hồi ký) ,Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, H, 2012, tr. 674.
(2) Thủ tướng Võ Văn Kiệt: Thách thức đến từ nhiều phía , Tạp chí Quan hệ quốc tế, số 41, năm 1993, tr.31.
(3) (4) Tuyên bố của Thủ tướng Võ Văn Kiệt về việc Tổng thống Mỹ Bin Clintơn quyết định bình thường hóa quan hệ với Việt Nam, Tạp chí Châu Mỹ ngày nay, số 2/1995, tr.4-5.
(5) Võ Văn Kiệt - một nhân cách lớn; nhà lãnh đạo tài năng; suốt đời vì nước vì dân (hồi ký) , Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, H, 2012, tr. 676
(6) Tương Lai: Nghĩ về hiện tượng “Võ Văn Kiệt”; Sáng mãi “Sáu dân trong lòng dân,” in trong V õ Văn Kiệt, người thắp lửa , Nxb.Trẻ, TP.Hồ Chí Minh, tr 225.
Nguồn tham khảo:
https://tuyengiao.vn/nghien-cuu/ly-luan/dau-an-vo-van-kiet-trong-cong-cuoc-doi-moi-141952
https://lamdong.gov.vn/sites/lamha/tintonghop/chinhtri/SitePages/Cuoc-doi-va-su-nghiep-cach-mang-cua-dong-chi-Vo-Van-Kiet.aspx
Phường22 , Bình Thạnh